Giới thiệu về trường THPT Số 2 Nghĩa Hành

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

TRƯỜNG THPT SỐ 2 NGHĨA HÀNH

            Rời huyện lỵ Nghĩa Hành theo tỉnh lộ 627 về phía Tây-Nam, vượt qua ngọn đèo mà “Những buổi thấp trời ta đi trong mây” ẩn bên mình dòng sông Vệ hiền lành là ngôi Trường THPT Số 2 Nghĩa Hành.  Trường đóng trên địa bàn xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành. Trường được thành lập từ tháng 9 năm 1987 trên cơ sở tách ra từ Trường THPT Nghĩa Hành để phục vụ việc giảng dạy và học tập cho học sinh các xã khu tây huyện Nghĩa Hành. Lúc đầu trường chỉ có 5 lớp (3 lớp 10, 2 lớp 11) trường sử dụng cơ sở cũ của Trường THPT Nghĩa Hành tại xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành.

Để thuận lợi cho việc học tập của các em học sinh 3 xã vùng kháng chiến cũ, đến tháng 9 năm 1988 trường chuyển cơ sở về xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành, lúc này trường có đủ 3 khối lớp 10, 11,12.

Đến năm học 1990-1991 số lượng học sinh của trường có xu hướng giảm và theo xu thế xây dựng mô hình trường cấp 2,3 được sự quan tâm của Sở GDĐT Quảng Ngãi, huyện ủy, UBND huyện Nghĩa Hành quyết định nhập bộ phận cấp 2 của Trường PTCS Hành Thiện vào Trường THPT Số 2 Nghĩa Hành. Thời gian này trường có khoảng 28 đến 30 lớp. Có thể nói đây là thời điểm đánh dấu bước phát triển vượt bậc của trường cả về số lượng lẫn chất lượng.

Đến tháng 8 năm 2011 thực hiện QĐ số 1271/QĐ-UBND ngày 22 tháng 8 năm 2011 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc tổ chức lại Trường THPT Số 2 Nghĩa Hành. Bộ phận THCS được tách ra và giao về cho Phòng GD và ĐT Nghĩa Hành, trường chỉ còn bộ phận THPT. Từ đó đến nay nhà trường duy trì số lượng học sinh của 3 khối 10,11,12 từ 18 đến 22 lớp.

Được sự quan tâm đầu tư của Sở GDĐT Quảng Ngãi, huyện ủy, UBND huyện Nghĩa Hành cơ sở vật chất của trường ngày càng khang trang, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên từng bước ổn định và phát triển có chiều sâu. Tỷ lệ học sinh khá giỏi ngày càng tăng, đội ngũ học sinh giỏi cấp trường, tỉnh ngày càng nhiều. Đó là công sức, là những tín hiệu đáng mừng để thầy và trò Trường THPT Số 2 Nghĩa Hành tiếp bước trong công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay nhằm đáp ứng kì vọng của chính quyền và nhân dân địa phương.

Đội ngũ Cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường!